Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Trên thực tế hiện nay rất nhiều trẻ em đang bị chính bố mẹ, người thân, những người thân sinh ra mình bạo hành, đánh đập. Chính vì vậy, để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp cho trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển an toàn, lành mạnh, pháp luật đã có những quy đình nhằm hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, các trường hợp hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

(i) Cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con

Cha, mẹ cố ý xâm phạm sức khỏe của con chưa thành niên là những hành vi cố ý, có thể bằng hành động hoặc không hành động xâm phạm tới quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của con chưa thành niên. Hành vi của cha mẹ có thể là hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc những hành vi khác gây tổn hại tới sức khỏe cho con chưa thành niên. Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì cha, mẹ có hành vi cố ý xâm phạm sức khỏe của con có thể cấu thành các tội như: Tội cố ý gây thương tích cho người khác, tội hành hạ người khác và tộiTội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.

Cha, mẹ cố ý xâm phạm danh dự, nhân phẩm đối với con chưa thành niên là hành vi cố ý xâm phạm tới quyền được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm của con chưa thành niên. Những hành vi đó có thể là lăng mạ, chửi mắng, mạt sát,… làm cho con xấu hổ trước đám đông.

Cha, mẹ có thể là người trực tiếp thực hiện những hành vi vi phạm trên hoặc là người đồng phạm. Dù là người trực tiếp thực hiện hay là đồng phạm thì khi cha, mẹ bị kết án về những tội cố ý xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đối với con chưa thành niên thì bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cha, mẹ còn bị tòa án ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

(ii) Cha, mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con

Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc đối với con chưa thành niên là việc cha, mẹ không quan tâm, quản lý con, không bảo vệ con một cách tốt nhất, làm cho con chưa thành niên bị thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, trông nom con được thể hiện dưới những hình thức như cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên; cha, mẹ bắt con lao động sớm dẫn đến con rơi vào tình trạng bị lạm dụng và bị bóc lột sức lao động; cha, mẹ thiếu sự quan tâm làm cho con bị tai nạn thương tích nặng….

Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với con chưa thành niên là trường hợp cha, mẹ đã không cung cấp vật chất để đảm bảo cuộc sống thường ngày của con chưa thành niên. Hậu quả của hành vi này gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của con chưa thành niên. Việc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng của cha, mẹ có thể là trường hợp cha, mẹ có điều kiện, có tài sản nhưng đã không dùng tài sản đó chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của con chưa thành niên như ăn, mặc… Hoặc trường hợp cha, mẹ có khả năng lao động nhưng đã không nỗ lực lao động để có tài sản nuôi sống con chưa thành niên, làm cho con không đủ dưỡng chất cho sự phát triển, thậm chí con còn bị bỏ đói gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của con.

Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giáo dục con chưa thành niên là việc cha, mẹ đã không thực hiện nghĩa vụ giáo dục con hoặc quá lạm dụng quyền giáo dục con, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, về trí tuệ, tinh thần, đạo đức của con chưa thành niên. Hậu quả dẫn tới là con có những hành động gây hại cho chính bản thân, cho người khác và cho xã hội. Cha, mẹ vi phạm nghĩa vụ giáo dục đối với con chưa thành niên biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, cha, mẹ ép con học hành mà không quan tâm tới khả năng của con, làm cho con bị những khủng hoảng tâm lý nặng nề, trầm cảm, không chịu nổi áp lực nên có những hành động dại dột như tự tử, bỏ nhà đi bụi, có những hành vi vi phạm pháp luật. Hoặc khi con có những hành động sai trái cha, mẹ đã không tìm hiểu nguyên nhân, không lắng nghe, không tâm sự để gỡ những vướng mắc giúp con vượt qua khó khăn đó mà lại dùng những lời lẽ xúc phạm, mạt sát con gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con.

(iii) Cha, mẹ có hành vi phá tán tài sản của con


Pháp luật nước ta công nhận con có quyền có tài sản riêng, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì tài sản của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý, như vậy cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ khối tài sản của con, nhưng hiện nay có vướng mắc với quy định này là như khi tài sản của cha mẹ không đủ thì phải lấy tài sản của con để đảm bảo cho những như cầu thiết yếu của gia đình và nhu cầu của con khi đó có được coi là phá tán hay không? Hay cha mẹ dùng tài sản của con vào đầu tư kinh doanh nhưng chẳng may bị phá sản, bị mất vậy có được coi là phá tán hay không? Và vô số những trường hợp khác nữa. Vì vậy nên coi trường hợp cha mẹ phá tán tài sản của con là việc cha mẹ dùng tài sản của con để đánh bạc, ăn chơi, không dùng vào nhu cầu chung cho gia đình và dùng vào những mục đích không tốt khác.

(iv) Cha, mẹ có lối sống đồi trụy

Cha mẹ có nghĩa vụ tạo cho con có một môi trường sống lành mạnh và cha mẹ phải là những tấm gương sáng để con phát triển đúng chuẩn về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Nếu cha mẹ có lối sống đồi trụy, tức là cha mẹ đã tạo ra một môi trường sống không lành mạnh, do vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bình thường của con, nhất là về đạo đức và tinh thần.

Khi cha, mẹ có lối sống đồi trụy, tức cha, mẹ có lối sống lệch lạc, có những hành vi thiếu văn hóa, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Khi đó nếu con sống chung với cha, mẹ sẽ tạo cho con có môi trường sống không lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách của con. Nếu cha, mẹ có lối sống lệch chuẩn, rất dễ tạo cho con bị ảnh hưởng chính lối sống đó. Khi đó, có thể con sẽ có những suy nghĩ sai lầm, đạo đức xuống cấp. Nguy hiểm hơn, lối sống không lành mạnh của cha, mẹ còn có thể là nguyên nhân dẫ tới những hành vi phạm tội của con. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của người chưa thành niên là có cha, mẹ hoặc người trong gia đình thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật.

(v) Cha, mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội

Cha, mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội cũng là một căn cứ hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Trên thực tế, có những trường hợp cha, mẹ ép và lôi kéo con vào việc buôn bán ma túy, ép hay bao che cho con ăn trộm hay lôi kéo con vào việc gây tổn hại tới tính mạng, sức khỏe của người khác, ép con bán dâm…. Đó không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của cha mẹ đối với con mà đồng thời còn vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ của con.

Cha, mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, đó là việc cha, mẹ có hành vi, lời nói, thái độ thể hiện sự kích động, dụ dỗ,… tác động tới ý chí tư tưởng của con chưa thành niên, dẫn đến con có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi trái đạo đức xã hội. Hậu quả của việc xúi giục, dụ dỗ này có thể làm cho con có hành vi phạm tội hay vi phạm pháp luật hành chính. Hiện nay, không ít người cha, người mẹ vì lợi nhuận, vì sức hút đồng tiền là quên mất trách nhiệm làm cha, làm mẹ của mình, không những không bảo vệ con, tạo cho con có một môi trường sống an toan, hướng và giáo dục con tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội mà con xúi giục, ép buộc, lôi kéo con thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này của cha, mẹ không những gây tổn hại trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con mà còn hủy hoại tương lai của con, gây ra những tổn thương khó chữa lành.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên là yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quết của Tòa án.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu cư trú có thẩm quyền giải quyết. Theo quy định của pháp luật về cư trú, nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Thứ ba, người có quyền yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm:

(i) Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên;

(ii) Người thân thích của con chưa thành niên;

(iii) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

(iv) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.

Thứ tư, thời gian hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Khoản 2 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này".

Như vậy, thời hạn hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên là từ 01 đến 05 năm.

Những hạn chế của cha, mẹ bao gồm: trông nom, chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản riêng của con, đại diện diện theo pháp luật cho con.

Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@everest.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.