Giải quyết tranh chấp đất do bố mẹ để lại như thế nào?

Những người theo quy định pháp luật vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật...

Hỏi: Gia đình em có 4 người con, bố mất lúc em 15 tuổi, sau khi bố mất mẹ em sang tên quyền sử dụng đất mà ngôi nhà ông nội em để lại cho bố em đứng tên sang người anh cả, người anh cả có gia đình và dọn ra ở riêng ngôi nhà mà ba mẹ em tự tạo lập mua. Người thứ hai cũng có gia đình và cũng dọn ra ở riêng ngôi nhà của ông nội em để lại. Em đã có gia đình cùng mẹ, anh trai chưa có gia đình và ông nội vẫn đang sinh sống trên mảnh đất mà ông nội để lại cho ba nhưng mẹ em đã sang tên cho anh cả lúc ba em mới mất. Thời gian gần đây người anh cả có về đánh em và đuổi vợ chồng em đi nhưng vợ chồng em chưa có điều kiện nên chưa đi được nên người anh cả đã viết đơn lên tòa án kiện vợ chồng em là tranh quyền sử dụng đất của vợ chồng anh. Đề nghị Luật sư tư vấn, vợ chồng em bị kiện ra tòa như vậy vợ chồng em phải làm như thế nào? (Đặng Thu Thải – Hà Giang)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Miếng đất ông nội anh (chị) để lại cho bố anh (chị), vậy khi bố anh (chị) mất nó sẽ thuộc là di sản thừa kế của bố anh (chị). Nhưng cần xác định bố anh (chị) mất bao lâu rồi để xem xết về hiệu lực của việc kiện chia tài sản thừa kế

Trường hợp 1: Bố anh (chị) mất chưa được 10 năm, vẫn còn thời hiệu kiện chia thừa kế, theo đó pháp luật quy định: Nếu bố anh (chị) để lại di chúc, di chúc là để lại miếng đất cho người anh cả của anh (chị) nhưng tại thời điểm đó, anh (chị) mới 15 tuổi nên theo Điều 669 Bộ luật dân sự 2005 thì: "Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần si sản ít hơn hai phần ba suât đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này: 1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng. 2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Như vậy, nếu anh (chị) không từ chối nhận di sản thừa kế hoặc không thuộc khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự 2005: “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thưa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc; sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”thì anh (chị) vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế, như vậy miếng đất đó anh (chị) vẫn có quyền được sử dụng.

Nếu bố anh (chị) không để lại di chúc, vậy di sản sẽ được chia đều cho những người thừa kế trừ những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự 2005 được liệt kê ở trên. Theo đó, miếng đất này vẫn có thể có quyền sở hữu của anh (chị) và anh anh (chị) không có toàn quyền quyết định.

Trường hợp 2: Nếu bố anh (chị) mất được hơn 10 năm tức là thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế đã hết vậy anh (chị) không thể kiện chia thừa kế, như vậy anh (chị) có thể giải quyết theo 2 cách sau: Thỏa thuận với anh của anh (chị) để tiếp tục sử được sử dụng miếng đất đó hoặc kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.