Gây thương tích cho người khác thì phải bồi thường như thế nào?

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo...

Hỏi: Em có đứa bạn năm nay 22 tuổi, có xích mích với 1 nhóm bạn. Đợt tết bạn em đã đánh 1 người trong nhóm kia phải khâu mấy mũi, 2 gia đình tự hòa giải với nhau. Hôm vừa rồi nhóm thanh niên kia gặp bạn em ở quán ăn 1 mình, chủ động đánh bạn em trước, lúc đông lộn xộn bạn em lấy được 1 con dao rồi đâm vào 1 người trong đám thanh niên ấy, gây thủng dạ dày, thương tích 17%. Đề nghị luật sư tư vấn, trong trường hợp này bạn em có phải trường hợp phòng vệ chính đáng không? Nếu 2 bên không hòa giải thì ra tòa sẽ như thế nào? (Xuân Hải - Hải Phòng)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Hoa - tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Về trách nhiệm hình sự, Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Trường hợp này, người bạn của anh (chị) gặp nhóm bạn kia ở một quán ăn và bị nhóm bạn đó chủ động đánh mình, sau đó người bạn của anh (chị) đã cầm dao đâm vào 1 người trong nhóm bạn kia bị thủng dạ dày gây thương tích 17%. Trường hợp này, anh (chị) cần xác định rõ là hành vi mà nhóm bạn kia thực hiện đánh người bạn của anh (chị) có tương xứng với hành vi cầm dao đâm thủng dạ dày gây thương tích 17% hay không? Hiện nay, anh (chị) không nêu rõ hành vi nhóm bạn kia đánh người bạn này ở mức độ nào mà anh (chị) chỉ đề cập tới việc do bị đánh người bạn của anh (chị) đã cầm dao đâm một người bị thủng dạ dày nên chúng tôi không có cơ sở để xác định sự tương xứng của hai hành vi này. Trường hợp này có thể thuộc một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nếu hai hành vi này có tính chất tương xứng và cần thiết phải đáp trả thì sẽ coi là phòng vệ chính đáng và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp 2: nếu hành vi đáp trả của người bạn này không tương xứng với hành vi dùng vũ lực của nhóm bạn kia và vượt quá mức cần thiết thì sẽ coi là vượt quá phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm tại điều 106 Bộ luật hình sự.

Điều 106 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng":

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.”

Trong trường hợp hành vi của người bạn của anh (chị) không vượt quá mức cần thiết và gây thương tích 17% cho một người khác thì chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 106 Bộ luật hình sự.

Như vậy, cả hai trường hợp thì hành vi của người bạn không đủ dấu hiệu cấu thành tội tại điều 106 Bộ luật hình sự. Hành vi này của người bạn của anh (chị) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 106 Bộ luật hình sự.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tới sức khỏe của người khác

Trách nhiệm của người bạn này là quan hệ dân sự bồi thường ngoài hợp đồng do xâm phạm tới sức khỏe của người khác.

Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm:“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. 2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Theo đó, nếu một người do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tới sức khỏe của người khác thì có trách nhiệm bồi thường đối với người bị thiệt hại về sức khỏe.

Mức bồi thường bao gồm: chi phí cứu chữa, điều trị của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập bị mất hoặc giảm sút của người nhà của người thiệt hại do phải nghỉ việc chăm sóc người đó; bồi thường một khoản tổn thất về tinh thần( nếu không thỏa thuận được thì áp dụng quy định của pháp luật không quá 30 tháng lương tối thiểu).

Như vậy, nếu hai bên thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thì có thể tự giải quyết với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa giải quyết và trong trường hợp này người bạn của anh (chị) phải bồi thường cho người bị đâm thủng dạ dày kia.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.