Gây tai nạn giao thông cho người khác phải bồi thường thế nào?

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Hỏi: Em trai tôi 16 tuổi tự ý lấy xe máy đi chơi. Đang đi với tốc độ bình thường trên đường từ nhà ra đến cửa ngõ thì bất ngờ một bé trai lao ra đường. Em trai tôi tránh nhưng không kịp. Em bé 4 tuổi bị chấn thương sọ não phải nhập viện. Khi cơ quan giao thông đến nơi thì em tôi nhận tội. Lúc em bé mới nhập viện gia đình tôi đã gửi tiền thăm hỏi và bố mẹ cháu bé đã nhận. Hiện tại cháu bé đã ra viện, tinh thần tỉnh táo, ăn uống nói chuyện đi đứng bình thường. Gia đình tôi cũng đã hứa sẽ chi trả tiền chữa trị bồi dưỡng cho cháu bé nhưng nhà bên kia không đồng ý và đòi kiện em trai của tôi. Vậy giờ gia đình tôi phải làm thế nào? (Đức Phúc – Vinh)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Chu Hoàng Hải - Tổ tư vấn pháp luật dân sự của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Nếu gia đình bé trai khởi kiện em trai bạn tại tòa án, khả năng cao là em trai bạn sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Trước hết em bạn có lỗi vì điều khiển phương tiện giao thông cơ giới khi chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, sự việc không hoàn toàn do lỗi của em trai bạn mà cũng do bé trai bất ngờ lao ra đường khi em trai bạn tới gần, khiến em trai bạn không tránh kịp, dẫn đến bé bị tai nạn. Cơ quan điều tra sẽ xác định lỗi để từ đó xác định phần bồi thường thiệt hại tương ứng. Trong trường hợp gia đình bé trai khởi kiện em trai bạn ra tòa dân sự, kết quả của cơ quan điều tra có thể sẽ được sử dụng làm căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại.

Về mức bồi thường thiệt hại, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Như vậy, mức bồi thường gia đình phải trả bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút của bé trai (tiền thuê phương tiện cấp cứu, tiền thuốc và mua các thiết bị y tế, tiền khám chữa bệnh, tiền viện phí, tiền mua thuốc bồi bổ, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe…); chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của bố mẹ bé trai trong thời gian chăm sóc con họ điều trị (chi phí hợp lý cho việc đi lại, tàu xe ,… cho việc chăm sóc nạn nhân, thu nhập bị mất); khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Về mức lương cơ sở, hiện nay khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng.


Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật dân sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.