Doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, khởi kiện thế nào?

Do còn có quan điểm khác nhau như trên nên trong thực tiễn đã có trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật gặp khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục khởi kiện vụ án.

Khác với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định cụ thể, tại Điều 13, về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo quy định này thì Doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, quy định của pháp luật

Quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; bởi vì, trong giai đoạn hội nhập và đổi mới hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, làm phát sinh nhiều nhu cầu giao dịch nhằm thực hiện các hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh… mà một người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp không thể đảm nhận hết các vai trò quan trọng này.

Tuy nhiên, nếu quy định nêu trên không được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thống nhất, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực khởi kiện vụ án; bởi các lẽ sau:

- Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định cụ thể về thủ tục khởi kiện vụ án đối với các doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, mà chỉ có quy định chung chung là :“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân… đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án…” (khoản 1 Điều 13) và “…Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” (khoản 2 Điều 13).

- Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng không có quy định và hướng dẫn cụ thể về thủ tục khởi kiện vụ án đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật; mà chỉ quy định chung chung là “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án…” (Điều 186), “Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án” (khoản 3 Điều 189)…

Do Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản pháp luật về tố tụng dân sự chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về thủ tục khởi kiện vụ án đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, nên về vấn đề này đang có các quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau:

Một là, tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân… đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án…”, nên đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, bất cứ người đại diện theo pháp luật nào cũng có quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án.

Hai là, tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:“…Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”,do đó, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chỉ người nào được Điều lệ công ty quy định có quyền khởi kiện vụ án thì người đó mới có quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án; nếu Điều lệ công ty không có quy định người có quyền khởi kiện vụ án thì tất cả những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng phải có văn bản ủy quyền cho một người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án.

Thứ hai, thực tiễn áp dụng giải quyết

Do còn có quan điểm khác nhau như trên nên trong thực tiễn đã có trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật gặp khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục khởi kiện vụ án.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào hoạt động của các doanh nghiệp trong thực tiễn, có thể thấy quan điểm thứ nhất là phù hợp, còn quan điểm thứ hai có phần máy móc và sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp; bởi vì, việc doanh nghiệp khởi kiện vụ án là quan hệ tố tụng giữa Tòa án với các đương sự của vụ án (được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng dân sự), khác hoàn toàn với quan hệ về dân sự, kinh doanh thương mại và lao động – vốn là các mối quan hệ chủ yếu, thường xuyên và hết sức quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp (được điều chỉnh bởi Luật DN và các luật chuyên ngành có liên quan):

Về quan hệ tố tụng, tại Bộ luật Tố tụng dân sự (mà phạm vi điều chỉnh là quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…(Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)) có quy định: đơn khởi kiện của doanh nghiệp phải do người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký tên và có đóng dấu doanh nghiệp (khoản 3 Điều 189), sau khi Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện vụ án đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện (khoản 4 Điều 70).

Như vậy, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chỉ cần một trong số những người đại diện theo pháp luật ký tên và có đóng dấu doanh nghiệp trong đơn khởi kiện là thủ tục khởi kiện vụ án hợp lệ và Tòa án phải thụ lý để giải quyết, trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện vụ án của doanh nghiệp rồi, nếu doanh nghiệp thấy yêu cầu khởi kiện chưa đúng hoặc không cần thiết khởi kiện, thì doanh nghiệp vẫn có quyền chủ động làm thủ tục thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện mà không bị bất cứ sự ràng buộc nào về mặt pháp lý. Do đó, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, Điều lệ công ty không cần thiết phải quy định cụ thể một người nào đó mới được quyền đại diện cho doanh nghiệp khởi kiện vụ án.

Mặt khác, nếu doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật buộc phải quy định cụ thể trong Điều lệ công ty là chỉ một người nào đó mới được quyền khởi kiện vụ án và chỉ khi người này thực hiện thủ tục khởi kiện thì việc khởi kiện vụ án mới được Tòa án chấp nhận, là rất bất cập; vì như vậy sẽ có rất nhiều trường hợp người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án nhưng lại không có hiểu biết về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực có tranh chấp (do có nhiều trường hợp người được quyền khởi kiện vụ án theo quy định tại Điều lệ công ty lại không phải là người có thẩm quyền phụ trách điều hành lĩnh vực xảy ra tranh chấp mà doanh nghiệp khởi kiện).

Về các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại và lao động, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham gia giao kết hợp đồng là đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ về tài sản của các bên; nếu hợp đồng có hiệu lực pháp luật, bên nào vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bên kia.

Chính vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (mà phạm vi điều chỉnh là quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp…(Điều 1 Luật Doanh nghiệp năm 2014), khi quy định: doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật (nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau), thì đồng thời cũng có quy định: Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật có thể nại ra lý do hợp đồng vô hiệu vì người đại diện cho doanh nghiệp tham gia giao kết hợp đồng không có thẩm quyền quản lý và điều hành trong lĩnh vực đã giao kết, để từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại).

Như vậy, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, Điều lệ công ty buộc phải có quy định cụ thể từng người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền quản lý và điều hành trong từng lĩnh vực hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh… và khi những người này đại diện cho doanh nghiệp giao kết hợp đồng trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền được Điều lệ công ty quy định thì hợp đồng có hiệu lực pháp luật (trừ trường hợp hợp đồng bị vô hiệu vì lý do khác); còn nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được Điều lệ công ty quy định có thẩm quyền quản lý và điều hành trong lĩnh vực hoạt động này, nhưng lại đại diện cho doanh nghiệp giao kết hợp đồng trong lĩnh vực khác, thì giao dịch đó không có hiệu lực pháp luật.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn