Điều kiện xác nhận quan hệ cha con như thế nào?

Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ...

Hỏi: Em là con thứ nhất trong gia đình có 3 anh chị em. (Em xin nói thêm là em có 01 chị gái xinh năm 1977 là chị cùng cha khác mẹ với em). Trước đây khoảng năm 1997 để có điều kiện đi làm ăn và học tập ở nước ngoài, bố mẹ em đã tiến hành nhận thêm 01 người con nuôi và hạ tuổi đi đồng thời tiến hành ly hôn để thực hiện ước mơ đi nước ngoài. Trong giấy phán quyết của tòa án nhân dân Huyện Vũ Thư - Tỉnh thái BÌnh thì có đoạn như sau: Mẹ em nuôi 2 em cùng mẹ cùng bố với em Trịnh Minh Quang và Trịnh Thị Nhài.Bố nuôi 02 là tên ai đó vì tên các con khi đó cũng bị làm giả. Bố em không đi nước ngoài theo giấy khai sinh và chứng mình thư ghi sai ngàyvà nếu theo đúng giấy tờ đó thì em không phải là con ai hết.Năm 2005 Bố em có đứng ra mua một mảnh đất tại Hà Nội trong đó ghi rõ em là con gái làm chứng.Hiện tại Bố em đã mất (Bố mất năm 2006).Đề nghị Luật sư tư vấn,hiện tại mảnh đất ở quê (trong giấy của tòa khi ly hôn không ghi gì đến tài sản) mẹ em có quyền như thế nào và em có quyền như thế nào? (Trịnh Thị Lan - Thái Bình)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Minh Châu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Do vấn đề của chị khá phức tạp vì liên quan đến nhiều loại giấy tờ, trong đó có những giấy tờ bị làm giả và có những sự gian dối khi tiến hành các thủ tục ly hôn mà thông tin chị cung cấp chưa đủ để chúng tôi có những đánh giá và đưa ra lời tư vấn cụ thể theo yêu cầu của chị. Vì vậy, chúng tôi dẫn ra những quy định của pháp luật và giải thích một số vấn đề liên quan để chị tham khảo và đối chiếu với trường hợp của mình:

Thứ nhất, đối với mảnh đất ở quê: Chị cần xác định mảnh đất này hình thành vào giai đoạn nào? Có trước khi bố mẹ kết hôn hay trong thời kỳ hôn nhân? Nếu có trước khi kết hôn thì trên giấy CNQSDĐ ghi tên ai? Đó sẽ là căn cứ để xác định quyền sở hữu tài sản khi ly hôn.Thời điểm ly hôn của bố mẹ chị là năm 1997, quan hệ tài sản khi ly hôn sẽ được giải quyết theo luật HNGĐ 1986, cụ thể tại Điều 42 quy định: "Khi ly hôn, việc chia tài sản do hai bên thoả thuận, và phải được Toà án nhân dân công nhận. Nếu hai bên không thoả thuận được với nhau thì Toà án nhân dân quyết định.Việc chia tài sản khi ly hôn, về nguyên tắc, phải theo những quy định dưới đây: a) Tài sản riêng của bên nào thì vẫn thuộc quyền sở hữu của bên ấy; b) Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình và công sức đóng góp của mỗi bên; c) Trong trường hợp vợ chồng do còn sống chung với gia đình mà tài sản của bản thân vợ chồng không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình, căn cứ vào công sức của người được chia đóng góp vào việc duy trì và phát triển khối tài sản chung, cũng như vào đời sống chung của gia đình. Lao động trong gia đình được coi như lao động sản xuất; d) Khi chia tài sản, phải bảo vệ quyền lợi của người vợ và của người con chưa thành niên, bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất và nghề nghiệp".Theo đó, nếu mảnh đất hình thành trước thời kỳ hôn nhân, là tài sản riêng của một người mà sau khi kết hôn, họ không thỏa thuận là tài sản chung hoặc hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng thuộc trường hợp tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng mà vợ chồng không có thỏa thuận đó là tài sản chung thì khi ly hôn, tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của người đứng tên trên giấy CNQSDĐ.Còn nếu hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng (trừ trường hợp tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng).Khi ly hôn, về nguyên tắc, vợ chồng tự thỏa thuận về phân chia tài sản, nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu tòa giải quyết.Theo quy định của pháp luật thì cho dù là vợ chồng thỏa thuận hay tòa quyết định thì đều phải được tòa công nhận bằng văn bản. Tuy nhiên, theo thông tin chị cung cấp, trong quyết định cho ly hôn của tòa không định đoạt về phân chia tài sản.Như vậy rất có khả năng mảnh đất là tài sản riêng của một người và giữa hai người không có tài sản chung nào khác.

Thứ hai, việc phân chia tài sản của bố chị khi mất: Mảnh đất bố chị mua năm 2005 (sau khi ly hôn) là tài sản riêng của bố chị. Khi mất, tài sản này sẽ trở thành di sản thừa kế. bố chị mất năm 2006, vì vậy luật áp dụng là Bộ Luật dân sự 2005. Nếu trên giấy tờ về mảnh đất ở quê xác định bố chị là chủ sở hữu mảnh đất đó thì mảnh đất ở quê cũng được xác định là di sản thừa kế của bố chị để lại.Trường hợp bố chị mất có để lại di chúc để định đoạt về tài sản thì tài sản thừa kế sẽ được thực hiện theo di chúc. Người được chỉ định cho hưởng di sản là người thừa kế theo di chúc và có quyền sở hữu đối với tài sản mà người chết để lại cho họ.Trường hợp bố chị mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau: "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Thứ ba, quyền của chị đối với các tài sản trên:Nếu mảnh đất ở quê thuộc quyền sở hữu của mẹ chị, thì chị không có quyền gì đối với mảnh đất này.Trường hợp đó là tài sản của bố chị:Nếu bố chị mất có để lại di chúc mà không định đoạt cho chị hưởng di sản thì chị không có quyền sở hữu đối với di sản của bố chị. Còn nếu trong di chúc có chỉ định cho chị hưởng di sản thì chị được hưởng phần di sản tương ứng như đã nghi trong di chúc mà không bị ảnh hưởng bởi việc trên giấy tờ, chị không phải là con của bố chị.Nếu bố chị mất không để lại di chúc, như trên đã phân tích, tài sản sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Cho nên nếu trên giấy tờ chị không có quan hệ cha con với người đã mất thì chị không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.Pháp luật có quy định về trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ con như sau:Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực:“Điều 32. Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con: 1. Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con.2. Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ theo quy định tại Mục này, trong trường hợp cha, mẹ đã chết; nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ”. Theo đó, nếu như trong thực tế có quan hệ cha con thì chị có thể tiến hành các thủ tục để xác nhận quan hệ với cha. Tuy nhiên, việc đăng ký nhận cha con chỉ được tiến hành khi người đó còn sống và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con.Trường hợp của chị, do bố chị đã mất thì chị không thể thực hiện việc xác nhận cha con được nữa.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.