Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định pháp luật hiện hành

Mang thai hộ là chế định mới trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mở ra cơ hội cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Luật nghiêm cấm hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại, chỉ cho phép thực hiện hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là quy định mang tính nhân văn nhưng cũng thể hiện được sự phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển dịch vụ mang thai hộ.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 phân loại, có 2 loại hình mang thai hộ: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

"Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con." - Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

"Mang thai hộ vì mục đích thương mạilà việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác." - Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Xuất phát từ mục đích nhân đạo, pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo những trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại mang bản chất là một hoạt động kinh doanh thu lời từ cơ thể phụ nữ bị nghiêm cấm, có thể bị truy tố theo pháp luật hình sự.

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Điều kiện hai bên hoàn toàn tự nguyện và lập thành văn bản: "Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản." - khoản 1 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

2. Điều kiện về cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ:

Cặp vợ chồng mang thai hộ phải đáp ứng được các điều kiện: Chưa có con chung; người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; được tư vấn cụ thể về y tế, tâm lý, pháp lý.

Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
"Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý."

3. Điều kiện về người mang thai hộ:

Người mang thai hộ là người được nhờ mang thai hộ, phải đáp ứng các điều kiện: có quan hệ thân thích của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chưa mang thai hộ lần nào; có độ tuổi và sức khỏe, khả năng sinh sản theo xác định của tổ chức y tế có thẩm quyền, có sự đồng ý bằng văn bản của chồng (trong trường hợp có chồng); đồng thời được tư vấn cụ thể, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ cũng như toàn diện về y tế, tâm lý và pháp lý.

"3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý." - khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng bao gồm:Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

Việc đã từng sinh con, chưa mang thai hộ lần nào được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền như: Cơ sở y tế, cơ quan hộ tịch - tư pháp.

Quy định về độ tuổi phù hợp trong Luật Hôn nhân và Gia đình trên thực tế chưa có văn bản nào điều chỉnh về độ tuổi này, nhưng trên cơ sở về sức khỏe sinh sản, cơ quan y tế sẽ thực hiện các hoạt động xét nghiệm để kiểm tra toàn diện về sức khỏe và khả năng mang thai, sinh con của người mang thai hộ, xác định người mang thai hộ có đủ điều kiện về y tế để mang thai hộ hay không.

Nội dung tư vấn tâm lý, pháp lý và y tế được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn của Bộ y tế.

Nội dung tư vấn về y tế

Nội dung tư vấn y tế cho người nhờ mang thai hộ:

    • Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi;
    • Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ;
    • Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ;
    • Tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi;
    • Chi phí điều trị cao;
    • Khả năng đa thai;
    • Khả năng em bé bị dị tật và có thể phải bỏ thai;
    • Các nội dung khác có liên quan.

    Nội dung tư vấn y tế cho người mang thai hộ:

    • Các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sảy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết sau sinh và các tai biến khác;
    • Khả năng phải mổ lấy thai;
    • Khả năng đa thai;
    • Khả năng em bé bị dị tật và phải bỏ thai;
    • Các nội dung khác có liên quan.

    Nội dung tư vấn về pháp lý
    • Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
    • Quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
    • Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
    • Các nội dung khác có liên quan.

    Nội dung tư vấn về tâm lý

    Nội dung tư vấn cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ:

    • Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này;
    • Người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh;
    • Hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ;
    • Tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con;
    • Thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi;
    • Các nội dung khác có liên quan.

    Nội dung tư vấn cho người mang thai hộ:

    • Tâm lý, tình cảm của người trong gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ;
    • Tâm lý trách nhiệm đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nếu để sảy thai;
    • Tác động tâm lý đối với con ruột của mình;
    • Cảm giác mất mát, mặc cảm sau khi trao lại con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai;
    • Chỉ thực hiện mang thai hộ khi động lực chính là mong muốn giúp đỡ cho cặp vợ chồng nhờ mang thai, không vì mục đích lợi nhuận;
    • Các nội dung khác có liên quan.

    Hoạt động tư vấn về y tế, tâm lý, pháp lý phải được thực hiện bởi những chuyên gia có trình độ chuyên môn nhất định và nên được xác nhận bằng văn bản.

    4. Điều kiện không trái các quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

    "Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản." - Khoản 4 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

    Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện qua 2 quá trình cơ bản là thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào tử cung của người được nhờ mang thai hộ. Ngoài việc đảm bảo về điều kiện của người được nhờ mang thai hộ, hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn phải đảm bảo các điều kiện về quy trình, thủ tục và các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ y tế.

    Hiện nay có 3 cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ:
    1. Bệnh viện Phụ sản trung ương;
    2. Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế;
    3. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
    Hiện theo thông tin đã có thêm 01 cơ sở y tế tư nhân được cấp phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ: là Bệnh viện Mỹ Đức.

    Hoạt động mang thai hộ làm phát sinh các quan hệ pháp luật giữa người mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ giữa người nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và trẻ em được sinh ra nhờ kỹ thuật mang thai hộ, đây là những quan hệ pháp luật mang tính nhạy cảm và cần điều chỉnh chặt chẽ hơn, ví dụ về việc cơ sở y tế có trách nhiệm xác định yếu tố huyết thống trong quan hệ giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, quy trình mang thai hộ đảm bảo sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ em cũng như phòng ngừa những đối tượng lợi dụng hoạt động mang thai hộ và sự lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trục lợi, biến tướng hoạt động nhân đạo.

    Khuyến nghị:
    1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
    2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
    3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.