Đang mang thai bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng có được hưởng chế độ thai sản?

Việc vợ anh đã chấm dứt HĐLĐ với công ty hay chưa không ảnh hưởng đến việc vợ anh có được hưởng chế độ thai sản hay không. Để hưởng chế độ thai sản vợ anh cần đảm bảo điều kiện có thời gian đóng BHXH đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.

Hỏi: Hiện nay vợ tôi đang mang thai 7 tháng 1 tuần, nhưng hợp đồng lao động đối với vợ tôi là đến 30-5-2017 hết hợp đồng (đã làm tại công ty được hơn 2 năm). Nay công ty đơn phương cắt hợp đồng lao động. Đề nghị Luật sư tư vấn, như vậy có được và có đúng quy định pháp luật không, và có được hưởng chế độ thai sản không? (Lê Ngọc - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.

Luật gia Lưu Thị Ngọc Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi vợ bạn đang mang thai.

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ - Bộ luật lao động 2012 quy định:

"...3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động...."

Căn cứ theo quy định trên, thì công ty không có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với vợ bạn vì lý do vợ bạn mang thai. Tuy nhiên nếu vợ bạn thuộc một trong những trường hợp được quy định tạiĐiều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động,thì công ty sẽ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

Như vậy, nếu vợ anh không thuộc một trong những trường hợp trên mà công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc chấm dứt hợp đồngvì lý do vợ bạn mang thai thì công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Theo đó, công ty có trách nhiệm với người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tạiĐiều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

"1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

Thứ hai, về việc hưởng chế độ thai sản.


Điều 31.Điều kiện hưởng chế độ thai sản - Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"...2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi...."

Như vậy, việc vợ anh đã chấm dứt HĐLĐ với công ty hay chưa không ảnh hưởng đến việc vợ anh có được hưởng chế độ thai sản hay không. Để hưởng chế độ thai sản vợ anh cần đảm bảo điều kiện có thời gian đóng BHXH đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh. Theo đó, để xác định được điều kiện này anh cần xác định chính xác thời điểm dự sinh của vợ. Sau đó xác định phạm vi 12 tháng kể từ tháng trước sinh trở về trước. Từ đó xác định vợ anh có đóng BHXH đủ 6 tháng trong phạm vi 12 tháng đó không.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.