Đăng ký bản quyền tác giả hay đăng ký nhãn hiệu cho Logo doanh nghiệp?

Logo của doanh nghiệp có thể đăng ký dưới hai hình thức: (i) Đăng ký bản quyền tác giả hoặc (ii) đăng ký nhãn hiệu.

Logo là hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp, là dấu hiệu giúp nhận diện giữa nhiều doanh nghiệp khác với nhau và giữa nhiều loại hàng hoá/dịch vụ do các doanh nghiệp đó cung cấp với nhau.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Theo quy định pháp luật về Sở hữu trí tuệ thì Logo có thể được đăng ký bảo hộ dưới 2 hình thức: Một là, đăng ký bản quyền tác giả dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Hai là, đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ nhất, đăng ký bảo hộ logo dưới hình thức đăng ký bản quyền tác giả


- Đối tượng bảo hộ: lúc này, logo được nhìn nhận dưới danh nghĩa là một “tác phẩm mỹ thuật ứng dụng” - là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối và bố cục.

- Điều kiện bảo hộ: Logo khi muốn được bảo hộ theo cơ chế này phải đảm bảo tính sáng tạo và tính nguyên gốc, không sao chép từ bất kỳ nguồn nào.

- Cơ chế xác lập quyền: Quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm đó được định hình, không phân biệt nội dung, ý nghĩa, chất lượng và không bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, nhà nước khuyến khích tác giả đi đăng ký để thuận lợi cho việc bảo vệ quyền lợi của mình sau này, khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến tác phẩm.

- Thẩm quyền: Cơ quan cấp GCN đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (logo) là Cục Bản quyền tác giả (COV) trực thuộc Bộ Văn Hóa -Thể thao và Du lịch.

- Thời gian đăng ký: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Bản chất của quyền tác giả đối với logo: là quyền của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả trong việc chống lại người khác thực hiện hành vi sao chép trái phép logo của mình (copyright). Khi có GCNĐK Quyền tác giả, chủ sở hữu không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp.

Về ưu điểm và nhược điểm:

- Ưu điểm: (i) Dễ dàng được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận; (ii) Thời gian được cấp giấy chứng nhận nhanh.

- Nhược điểm: (i) Việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện trên cơ sở cam kết của chính tác giả của logo đó, chưa có hệ thống đồng bộ để quản lý và tra cứu khả năng logo đăng ký có phải là phiên bản sao chép của logo khác hay không, đặc biệt là trong trường hợp tác giả của logo chưa công bố tác phẩm; (ii) Do quyền tác giả được xác lập chưa mang tính tuyệt đối (vì có thể bị huỷ nếu có bên thứ ba chứng minh logo đăng ký là sao chép) nên khâu thực thi, bảo vệ quyền chưa triệt để. Các tranh chấp về bản quyền logo thường phải qua Toà Án với thủ tục và thời gian kéo dài nhưng kết quả cuối cùng vẫn có thể không như mong muốn; (iii) Tình trạng “đạo” logo diễn biến phức tạp, khó chứng minh được ý đồ sao chép và tỷ lệ sao chép để bị coi là hành vi vi phạm bản quyền; (iv) Thông thường logo bao gồm yếu tố chữ (ví dụ tên riêng doanh nghiệp), khi đăng ký logo thì chỉ bảo hộ dưới danh nghĩa tác phẩm mỹ thuật, không bảo hộ được nội dung tên riêng đó, có nghĩa là một doanh nghiệp khác cũng có thể sử dụng chữ này nhưng kết hợp với hình khác thì không bị coi là vi phạm.


Thứ hai, đăng ký bảo hộ logo dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu


- Đối tượng bảo hộ: logo lúc này là nhãn hiệu của doanh nghiệp, là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá/dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau, là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.
- Điều kiện bảo hộ: Điều kiện quan trọng nhất để logo được bảo hộ là phải đảm bảo khả năng phân biệt, không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký trước cho sản phẩm/dịch vụ cùng loại hoặc tương tự.
- Cơ chế xác lập quyền: Quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu (logo) chỉ được pháp công nhận chỉ khi chủ sở hữu Nhãn hiệu (logo) được cấp Giấy chứng nhân đăng kí nhãn hiệu, bắt buộc phải qua thủ tục nộp hồ sơ đăng ký.
- Thẩm quyền: Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Thời gian đăng ký: 12 tháng.
- Hệ quả pháp lý: chủ sở hữu sẽ được sở hữu độc quyền nhãn hiệu (logo) này cho sản phẩm/dịch vụ mà mình đăng ký, bất kỳ dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn nào của người khác sử dụng cho sản phẩm/dịch vụ tương tự cũng có thể bị coi là yếu tố vi phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật.

Về ưu điểm và nhược điểm khi đăng ký nhãn hiệu:

- Ưu điểm: (i) Cơ chế bảo hộ chặt chẽ nhất hiện nay; (ii) phạm vi bảo hộ rộng nhất: bảo hộ cả nội dung chữ và nội dung hình (nếu logo có bao gồm chữ), chống lại được hành vi sử dụng logo tương tự gây nhầm lẫn cho dù không bị trùng 100%. (iii) GCN ĐKNH là cơ sở để khẳng định doanh nghiệp và sản phẩm/dịch vụ do doanh nghiệp đó cung cấp là có uy tín, nâng cao vị thế cạnh tranh so với đối thủ khác trên thị trường; (iv) GCN ĐKNH là bằng chứng mạnh nhất khi xử lý vi phạm về tên miền, đặt tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn, cạnh tranh không lành mạnh; (v) GCN ĐKNH là điều kiện bắt buộc khi triển khai hệ thống mã số mã vạch (GTIN) cho doanh nghiệp nếu muốn cung cấp sản phẩm mang thương hiệu ra thị trường trong nước và quốc tế.

- Nhược điểm: (i) Do tính bảo hộ là tuyệt đối, nên để có kết quả cuối cùng được cấp GCN ĐKNH là rất khó khăn, Cục SHTT phải thẩm định nội dung và tra cứu hệ thống một cách chặt chẽ và khắt khe trước khi ra quyết định cấp GCN hoặc từ chối cấp GCN. (ii) Thời gian xử lý kéo dài vì hiện mỗi tháng Cục SHTT nhận không dưới 5000 đơn đăng ký nhãn hiệu.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.