Có được tự do lựa chọn pháp luật áp dụng đối với mọi hợp đồng hay không?

Quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng theo quy định hiện hành bị giới hạn về ba yếu tố: phạm vi, nội dung pháp luật và hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài và chứng minh pháp luật nước ngoài.

Tương tự với các quyền dân sự khác, quyền của các bên lựa chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng cũng có những giới hạn nhất định, hoàn toàn không phải là một quyền tuyệt đối. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng bị giới hạn về ba yếu tố sau: phạm vi, nội dung pháp luật và hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài và chứng minh pháp luật nước ngoài.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Giới hạn về phạm vi
Giới hạn về phạm vi được đặt ra trong trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản. Thực tế, quy định này đã được Việt Nam khẳng định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, song chưa thực sự rõ nghĩa, mà cần soi chiếu đến những điều khoản khác: “Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (khoản 2, Điều 769). Đến Bộ luật Dân sự năm 2005, vấn đề này được sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể và rõ ràng hơn. Theo đó, khi hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản (khoản 4 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015). Nói cách khác, các bên không được lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có đối tượng là bất động sản. Quy định này được đánh giá là hợp lý và phù hợp với tư pháp quốc tế của nhiều nước.

2. Giới hạn về nội dung pháp luật
Do tính chất đặc thù nên hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng là hai đối tượng cần phải giới hạn quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Xét về bản chất, hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng có bản chất là hợp đồng gia nhập nên người lao động và người tiêu dùng ít có cơ hội để đàm phán các nội dung trong hợp đồng. Khi được trao quyền lựa chọn pháp luật, bên đề nghị giao kết hợp đồng (thường là bên sử dụng lao động và bên bán sản phẩm/cung cấp dịch vụ) sẽ có xu hướng đưa vào trong hợp đồng điều khoản lựa chọn áp dụng hệ thống pháp luật có lợi nhất cho mình. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và người tiêu dùng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Để khắc phục tình trạng trên, khoản 5, Điều 683 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”. Theo đó, quyền lựa chọn pháp luật của các bên không bị triệt tiêu, mà chỉ bị giới hạn. Nói cách khác, các bên trong hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng vẫn được lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng của mình. Lựa chọn đó chỉ vô hiệu trong trường hợp pháp luật mà các bên lựa chọn làm ảnh hưởng đến quyền lợi tối tiểu của người lao động và người tiêu dùng Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Còn nếu các quy định của pháp luật của nước mà các bên lựa chọn có những quy định ngang bằng hoặc thuận lợi hơn so với pháp luật Việt Nam thì việc lựa chọn pháp luật áp dụng đó là hoàn toàn hợp lý.

3. Giới hạn về hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài và chứng minh pháp luật nước ngoài
Pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn cũng sẽ không được áp dụng khi hậu quả của việc áp dụng pháp luật đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, hoặc không chứng minh được nội dung pháp luật nước ngoài (Điều 670, Bộ luật Dân sự năm 2015). Quy định về việc chứng minh pháp luật nước ngoài là một điểm mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Bên cạnh đó, nghĩa vụ này cũng được tái khẳng định trong khoản 1 Điều 481 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, trường hợp các bên được lựa chọn và đã lựa chọn pháp luật nước ngoài thì các bên “có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đó cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Các đương sự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp”. Như vậy, các bên có nghĩa vụ xác định, cung cấp, chứng minh pháp luật nước ngoài trong trường hợp các bên trong hợp đồng có thỏa thuận chọn pháp luật nước ngoài áp dụng cho hợp đồng của mình thì khi giải quyết tranh chấp trước tòa án Việt Nam.

Nếu các bên trong hợp đồng không thể thống nhất được về nội dung pháp luật nước ngoài thì Tòa án có thể yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc thông qua Bộ ngoại giao đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cung cấp pháp luật nước ngoài. Trường hợp việc này không đạt kết quả thì thỏa thuận lựa chọn pháp luật của các bên sẽ không được áp dụng. Thay vào đó, pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật Việt Nam.

Như vậy, trước khi thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài, các bên trong hợp đồng nên tìm hiểu xem lĩnh vực hợp đồng của mình có thuộc trường hợp được phép thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng hay không. Nếu có, hai bên cũng cần nghiên cứu thêm nội dung pháp luật của nước sẽ chọn để nắm được sơ bộ quyền, nghĩa vụ của mình cũng như có thể cung cấp nội dung pháp luật cho tòa án khi phát sinh tranh chấp. Ngoài ra, các bên cũng cần dự phòng trường hợp pháp luật được lựa chọn không được tòa án áp dụng trong thực tế bởi hậu quả của việc áp dụng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không định nghĩa thế nào là “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”. Tòa án sẽ là cơ quan xác định hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài có vi phạm các nguyên tắc cơ bản hay không.

Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.