Có được hưởng chế độ thai sản khi đã ký cam kết không mang thai?

Điều kiện hưởng chế độ thai sản: Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con...

Hỏi: Hợp đồng lao động mà tôi giao kết với công ty có điều khoản: người lao động trong thời hạn 02 năm đầu tiên làm việc tại công ty thì không mang thai, sinh con. Nhưng nay, tôi mới làm việc được 07 tháng thì có thai. Xin hỏi luật sư, liệu công ty có thể chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc phạt tôi vì vi phạm cam kết hay không? Khi sinh con tôi có được hưởng chế độ thai sản không? (Thùy Trang - Hải Phòng)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng Tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 có liên quan tới câu hỏi của chị, như sau:

"Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên" (khoản 7 Điều 4).

Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: "3- Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này" (khoản 3 Điều 39).

Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: "(d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi" (điểm d khoản 4 Điều 123).

- Chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ: "1- Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ. 2- Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà. 3- Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. 4- Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế. 5- Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ. 6- Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ" (Điều 153).

Như vậy, việc công ty yêu cầu chị và người lao động nữ khác cam kết: trong thời hạn 02 năm đầu tiên làm việc tại công ty thì không mang thai, sinh con là trái quy định của pháp luật. Điều khoản này đương nhiên vô hiệu. Do đó, công ty không thể vì lý do này mà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, xử phạt hay kỷ luật chị.

Việc chị có được hưởng chế độ thai sản không phụ thuộc vào việc chị có đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản không. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản, như sau:

"1- Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Lao động nữ mang thai; (b) Lao động nữ sinh con; (c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; (d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; (đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; (e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. 2- Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3- Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4- Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này" (Điều 31).

Chị cho biết, chị đã làm việc tại công ty được 07 tháng thì mang thai. Trong điều kiện bình thường, khoảng 09 tháng tới chị mới sinh con. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị trong điều kiện bình thường sẽ đáp ứng được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: "đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con". Khi đó, chị đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.