Có được đền bù khi bị người khác xô đẩy xuống hồ bơi làm hỏng điện thoại không?

Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Hỏi: Tôi đi liên hoan cùng với lớp, tan tiệc thì một người bạn ở đâu chạy đến xô tôi xuống hồ bơi. Tôi không biết nó cố ý hay vô ý nhưng lúc đó tôi không đề phòng. Tôi cũng không có đùa giỡn gì với anh ta. Cuối cùng tôi bị hư 1 cái điện thoại trị giá 15tr7 mới mua được 4 ngày. Vậy tôi có đủ điều kiện để yêu cầu đền bù thiệt hại. Và nếu tôi gởi đơn để cơ quan pháp luật đòi quyền lợi cho tôi thì tôi phải gởi đơn đến đâu để yêu cầu giải quyết. Tôi đã nói chuyện với chủ thể đó và gia đình chủ thể nhưng họ không có ý xin lỗi và đền bù thiệt hại cho tôi. Dù cuộc nói chuyện của tôi ở mức thỏa thuận. Sự việc có người làm chứng. (Văn Giang- Ninh Bình)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Hồng Ngọc - Tổ tư vấn pháp luật dân sự của Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Thứ nhất, về yêu cầu đòi bồi thường của bạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

"Điều 604.Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

Trên cơ sở của Điều luật trên, có thể xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi đủ các điều kiện:

- Có thiệt hại xảy ra (gồm các loại về tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm)

- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại

- Có lỗi của người gây thiệt hại

Quy định của Điều 308 Bộ luật dân sự 2005 quy định về lỗi như sau:

"Điều 308. Lỗi trong trách nhiệm dân sự

1. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được."

Theo như bạn trình bày, người bạn của bạn đột nhiên đẩy bạn ngã xuống hồ bơi mà có thể không biết trước về hậu quả sẽ gây thiệt hại về tài sản cho bạn. Trường hợp này được xác định là do lỗi vô ý gây thiệt hại theo khoản 2 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2005 nêu trên. Và chính hành vi đẩy bạn ngã đã gây nên hậu quả thiệt hại với chiếc điện thoại của bạn. Như vậy, căn cứ theo Điều 604 Bộ luật Dân sự nêu như trên thì trường hợp của bạn đủ căn cứ để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người bạn của bạn. Lúc này, dựa theo quy định của Điều 260 Bộ luật trên thì bạn có quyền được yêu cầu đòi bồi thường khi chiếc điện thoại của bạn bị hư hỏng, cụ thể:

"Điều 260.Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại."

Việc vô ý làm hỏng chiếc điện thoại của bạn làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu của bạn đối với chiếc điện thoại này, vì vậy, bạn hoàn toàn có thể làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu:

Theo như bạn trình bày, sau khi có thiệt hại xảy ra thì giữa bạn và gia đình người gây thiệt hại đã có trao đổi, nhưng người gây thiệt hại không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bạn. Trường hợp này bạn nên làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản đến Tòa án để được giải quyết.

Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản của bạn là do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết, lúc này, bạn có thể gửi đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người gây ra thiệt hại cư trú.

Khuyến ngh:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sử đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng ở mọi thời điểm.