Có bắt buộc phải công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản là văn bản ghi nhận những nội dung phân chia di sản thừa kế, tỷ lệ phân chia, giá trị di sản, ... giữa những người thừa kế.

Luật Công chứng năm 2014 có quy định: “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản”.

Luật sư tư vấn pháp luật về thừa kế - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật về thừa kế - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khi nào phải thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLDS) thì, những người thừa kế có quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trong trường hợp sau:

Phân chia di sản trong trường hợp có di chúc: việc phân chia này được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, nếu di chúc không thể hiện nội dung về tỷ lệ phân chia di sản, các bên có thể thỏa thuận về vấn đề này – Điều 659 BLDS quy định như sau: “1- Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Phân chia di sản trong trường hợp không có di chúc: những người có quyền thừa kế có thể thỏa thuận phân chia di sản bằng hiện vật hoặc định giá hiện vật để phân chia – Điều 660 BLDS quy định: "2- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia".

Những tài sản bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật

Trong BLDS tuy không có quy định bắt buộc phải công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, tuy nhiên trong Luật Công chứng năm 2014 thì văn bản công chứng thỏa thuận phân chia di sản là một trong những căn cứ để đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản tại cơ quan có thẩm quyền:

Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản -1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác. -2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc. -3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. -4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản”.

Theo đó, đối với các tài sản phải đăng ký sở hữu, sử dụng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể cần thực hiện thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Việc công chứng thỏa thuận phân chia di sản không bắt buộc trong trường hợp di sản là tài sản không bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng.

Lưu ý riêng đối với trường hợp di sản là bất động sản thì việc công chứng thỏa thuận phân chia di sản phải được thực hiện ở văn phòng công chứng có trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản - theo Điều 42 Luật Công chứng năm 2014:

"Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản".

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.