Chế độ nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ huyện

Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hỏi: Nếu như tôi không bị bãi nhiệm thì tôi có được áp dụng nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP hay không? Việc Đảng ủy, UBND xã và Huyện hội bãi nhiệm tôi mà không có bất kỳ một Quyết định luân chuyển hay văn bản gì cả là đúng hay sai, đến nay tôi chưa được phân công công tác gì cả, Nếu sai thì tôi có được phục hồi chức danh chủ tịch Hội LHPN xã để tiếp tục làm công tác hội và đến tháng 4/2016 đại hội xong tôi xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP hay không? Đơn đã gửi đi các cơ quan chức năng hơn một tháng nay mà không có thông báo của cơ quan báo là đã thụ lý giải quyết, bây giờ tôi tiếp tục gửi đơn đi cơ quan nào, hình thức giử đơn khiếu nào như thế nào? (Văn Tiến - Tp Hồ Chí Minh)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1. Vấn đề nghỉ hưu tước tuổi theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP

Theo Điều 78 Luật cán bộ, công chức 2008 thì bãi nhiệm là một hình thức xử lý kỷ luật.

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ…”.

Căn cứ Điều 3 Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định: “Điều 3. Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi

1. Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, nếu quý khách không bị bãi nhiệm, không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên và có đơn tự nguyện nghỉ hưu thì sẽ được nghỉ hưu trước tuổi.

2. Về vấn đề bãi nhiệm

Theo như Điều 78 Luật cán bộ, công chức 2008 phân tích nêu trên thì bãi nhiệm là một hình thức xử lý kỷ luật. Việc áp dụng hình thức kỷ luật cán bộ là đảng viên được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần II Hướng dẫn 09-HD/UBKTTW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:

- Về thủ tục thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm:

Thi hành kỷ luật đối với đảng viên, phải thực hiện đúng các thủ tục sau đây:

+ Đảng viên vi phạm kỷ luật phải được kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật và biểu quyết về hình thức kỷ luật đối với mình. Trường hợp có đầy đủ bằng chứng, nếu đảng viên vi phạm từ chối kiểm điểm hoặc đang bị tạm giam, thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, xử lý kỷ luật.

+ Chi bộ hoặc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hướng dẫn đảng viên vi phạm kỷ luật chuẩn bị bản tự kiểm điểm nghiêm túc. Hội nghị chi bộ, ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn nơi đảng viên vi phạm sinh hoạt, hoặc công tác nghe đảng viên tự kiểm điểm, góp ý kiến, kết luận rõ về nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm và biểu quyết quyết định kỷ luật theo thẩm quyền hoặc biểu quyết đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định kỷ luật.

+ Đảng viên vi phạm là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cùng với việc kiểm điểm ở chi bộ còn phải kiểm điểm ở những tổ chức đảng nào nữa thì do cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên đó quyết định. Trường hợp đặc biệt (đảng viên vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao hoặc nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết, hoặc đảng viên vi phạm trong cùng một vụ việc có liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp) thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật, không cần yêu cầu đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ.

+ Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến và ý kiến này được báo cáo đầy đủ (cùng với bản tự kiểm điểm của đảng viên đó) khi tổ chức đảng có thẩm quyền họp để xem xét, quyết định kỷ luật. Sau khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo cho đảng viên bị thi hành kỷ luật biết rõ lý do để chấp hành.

+ Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm bị kỷ luật trình bày ý kiến trước khi quyết định kỷ luật, có thể tiến hành ngay trong cuộc họp xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trước khi tổ chức cuộc họp đó. Những ý kiến của đảng viên trình bày phải được báo cáo trước hội nghị xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên. Trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật không đến được thì phải có báo cáo bằng văn bản để lưu vào hồ sơ kỷ luật.

+ Đảng viên có quyền và trách nhiệm trình bày ý kiến của mình với tổ chức đảng có thẩm quyền trước khi bị thi hành kỷ luật. Tổ chức đảng có thẩm quyền phải mời đảng viên vi phạm đến trình bày ý kiến trước khi quyết định kỷ luật; nếu vì lý do nào đó mà đảng viên vi phạm không trực tiếp đến để trình bày ý kiến với tổ chức đảng có thẩm quyền được thì phải báo cáo bằng văn bản cho tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, lưu vào hồ sơ kỷ luật. Nếu đảng viên cố tình không đến, hoặc không có báo cáo bằng văn bản thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn xem xét, xử lý kỷ luật.”

Như vậy, việc áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm phải tuân thủ thủ tục trên. Cơ quan nơi chị làm việc đã áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sai thủ tục này.

Về việc phục hồi chức danh Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ: quý khách trình bày là Đảng ủy, UBND xã và Huyện hội bãi nhiệm quý khách mà không có bất kỳ một Quyết định luân chuyển hay văn bản gì cả là sai quy trình nêu trên, nếu sai quy trình thì người ra Quyết định phải có chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc phục hồi chức danh của quý khách thì sẽ căn cứ vào lý do bãi nhiệm là đúng hay sai chứ không căn cứ vào quy trình bãi nhiệm. Do quý khách không nêu rõ lý do bãi nhiệm nên sẽ có hai khả năng xảy ra:

Một là, lý do bãi nhiệm không đúng quy định thì quý khách sẽ được khôi phục chức danh.

Hai là, lý do bãi nhiệm đúng quy định thì quý khách sẽ không được phục hồi chức danh.

3.Vấn đề gửi đơn khiếu nại

Về hình thức của đơn khiếu nại

Đơn khởi kiện cần đảm bảo đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại năm 2011 như sau:

Điều 8. Hình thức khiếu nại

2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ”.

Để đảm bảo yêu cầu về hình thứ,c quý khách cần bổ sung thông tin liên quan đến cơ quan, cá nhân bị khiếu nại và cụ thể lý do khiếu nại là gì. Ngày, tháng, năm khiếu nại cũng cần được ghi rõ. Bên cạnh đó, về cách trình bày đơn, quý khách cần ghi rõ ràng nội dung sự việc, nội dung khiếu nại hơn.

Về nội dung của đơn khiếu nại

Quý khách cần bổ sung cụ thể về yêu cầu khiếu nại, chủ thể chị muốn khiếu nại là ai? Cơ quan nào? Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật khiếu nại năm 2011 như sau:

Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý”.

Tuy nhiên, theo quy định về việc thụ lý đơn khiếu nại thì:

Điều 27. Thụ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do”.

Như vậy, quý khách cần xem xét lại về trình tự, thủ tục nộp đơn và yêu cầu cơ quan đã tiếp nhận đơn trả lời. Do vẫn đang trong thời hạn giải quyết khiếu nại vì vậy, quý khách cần chờ đợi kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc qua thời hạn giải quyết cho phép để làm cơ sở tiến hành khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại đoạn 2 Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại năm 2011 như sau:

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.