Các trường hợp hình thành và chấm dứt tư cách thành viên trong công ty TNHH

Tư cách pháp lí của thành viên công ty được hình thành bằng nhiều con đường khác nhau, có thể thông qua việc góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp hoặc thừa kế, tặng cho... Thành viên công ty sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty.

Thành viên là những người chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu công ty. Thành viên công ty là một trong những “cốt lõi” hình thành nên công ty cũng như quá trình hoạt động của công ty. Thành viên công ty có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rất cụ thể về các trường hợp hình thành, chấm dứt tư cách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn (viết tắt là TNHH).

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, hình thành tư cách thành viên công ty

Thông thường, tư cách thành viên công ty được hình thành bằng các con đường sau:

(i) Góp vốn vào công ty:

Đây là con đường chủ yếu nhất để trở thành thành viên công ty.Một người sẽ có tư cách thành viên công ty khi đã góp vốn vào thành lập công ty. Cách thức góp vốn của thành viên phụ thuộc vào loại hình công ty. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên khi một người góp vốn vào công ty khi thành lập hoặc trong quá trình công ty hoạt động đều có thể trở thành thành viên công ty. Tuy nhiên, đối với công ty TNHH một thành viên thì việc góp vốn khi thành lập sẽ trở thành chủ sở hữu công ty; ngược lại góp thêm vốn của chủ sở hữu công ty chỉ làm tăng vốn điều lệ công ty mà không làm thay đổi chủ sở hữu công ty.

(ii) Nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên:

Trong quá trình hoạt động của công ty thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp cho thành viên khác hoặc chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty. Việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua các hợp đồng chuyển nhượng trên cơ sở thỏa thuận về giá chuyển nhượng.

Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác được thực hiện theo thủ tục chào bán cho các thành viên còn lại của công ty và không có sự phân biệt về điều kiện chuyển nhượng giữa các thành viên. Trong trường hợp thành viên của công ty không muahết hoặc không mua phần vốn góp đó trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán thì thành viên sẽ được quyền chuyển nhượng phần vốn góp cho người ngoài công ty với cùng một điều kiện. Người nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên sẽ trở thành thành viên công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên cho người khác dẫn đến hậu quả pháp lí khác nhau như thay đổi về tỉ lệ vốn góp của thành viên, số lượng thành viên hoặc thay đổi mô hình công ty.

(iii) Hưởng di sản thừa kế:

Hưởng di sản thừa kế là phần vốn góp của thành viên là một trong những con đường trở thành thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Đối với công ty TNHH một thành viên, trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu hoặc thành viên của công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế. Chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

(iv) Tặng cho tài sản là phần vốn góp:

Thành viên, chủ sở hữu công ty có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác. Người được tặng cho tài sản là phần vốn góp của thành viên thì sẽ trở thành thành viên của công ty tùy thuộc vào mối quan hệ huyết thống (trực hệ ba đời) hoặc sự chấp thuận của Hội đồng thành viên công ty.

(v) Trả nợ từ tài sản vốn góp của thành viên công ty:

Người nhận trả nợ từ tài sản vốn góp của thành viên có thể trở thành thành viên nếu họ muốn trở thành thành viên và được Hội đồng thành viên công ty đồng ý.

Thứ hai, các trường hợp mất tư cách thành viên công ty

Mất tư cách thành viên công ty là một hành vi pháp lí chấm dứt sự tồn tại của một cá nhân hay tổ chức trong công ty. Kể từ thời điểm chấm dứt tư cách thành viên công ty thì thành viên công ty không được tham gia vào tổ chức quản lí công ty.Chấm dứt tư cách thành viên công ty trong các trường hợp sau:

- Thành viên có thể tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên của mình trong công ty;

- Thành viên công ty chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình cho người khác;

- Thành viên chết hoặc bị Toà án tuyên bố là mất tích;

- Thành viên tặng cho phần vốn góp của mình cho người khác hoặc dùng tài sản là vốn góp để trả nợ cho người khác.

Ngoài các trường hợp trên, thực tế cho thấy việc mất tư cách thành viên công ty có thể được quy định bởi các điều kiện trong Điều lệ công ty như khai trừ thành viên, thu hồi tư cách thành viên khi thành viên vi phạm pháp luật hoặc hành động trái với Điều lệcông ty làm phương hại đến lợi ích của công ty và các thành viên khác.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Thu Trang - Công ty Luật TNHH Everest


    Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

    1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
    2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
    3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.