Vụ án côn đồ phá nhà, đánh người tại Bình Dương: hội tụ đủ cả ba căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Công ty Luật TNHH Everest hỗ trợ pháp lý cho anh Nguyễn Văn Tú - người bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương kết án phạm tội "cố ý gây thương tích" - khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 (Bản án phúc thẩm số 75/2018/HS-PT ngày 01/08/2018).

Ngày 05/11/2018, Công ty Luật TNHH Everest đã gửi Công văn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 75/2018/HS-PT ngày 01/08/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Bởi trong vụ án này, chúng tôi nhận thấy đã hội tụ đủ cả ba căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo quyđịnh tại Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

Luật sư hình sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư hình sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Một là, các kết luận trong Bản án số 75/2018/HS-PT không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Nghị quyết s04/NQ-HDTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán, hướng dẫn: “để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnha người phạm tội”. Xét trong tổng thể vụ án này:

- Về nguyên nhân sâu xa của vụ án:

Bản án hình sự số 75/2018/HS-PT và nhiều văn bản khác đều ghi nhận nội dung: “... Quá trình giao nhận hàng, ông Hòng nghi ngờ cân của Tú không chính xác nên đến kiểm tra. Khoảng 03 giờ ngày 13/6/2015, ông Hòng cùng người làm là Phạm Bá Thu trực tiếp đến cân chó cho Tú tại quán của Tú (khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Sau khi cân đối chiếu giữa cân của ông Hòng và cân của Tú, ông Hòng phát hiện với mỗi mã hàng, cân của Tú hụt 08 kg so với cân của ông Hòng nên kêu Tú buổi chiều xuống nhà ông Hòng để nói chuyện..”. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử (hai cấp) đề không làm rõ: có hay không việc anh Tú kinh doanh gian dối (?!).

Chúng tôi đã làm việc với những người làm chứng, một số khách hàng của anh Tú thì thấy rằng, đây là mới chỉ là ý kiến đơn phương từ ông Hòng. Thực tế, chiếc cân dùng mà anh Tú dùng để cân hàng của ông Hòng vẫn được gia đình anh Tú (nay là chị Liên) tiếp tục sử dụng. Ngoài ông Hòng, không có khách hàng hoặc đối tác nào phàn nàn về việc cân không chính xác. Vậy thì liệu rằng, anh Tú có lỗi (kinh doanh gian dối), hay chỉ là cái cớ để ông Hòng đến nhà anh Tú gây sự. Nội dung này không được làm rõ trong suốt quá trình tố tụng và được các bản án ghi nhận (không đầy đủ), dẫn tới hiểu lầm rằng: sự việc xảy ra có nguyên nhân sâu xa từ việc anh Tú kinh doanh gian dối.

- Về hành vi đập phá tài sản của ông Hòng:

Bản án số 17/2018/HS-ST và Bản án số 75/2018/HS-PT đều đã ghi nhận: “... Hòng dừng xe tại sân nhà của Tú và đi đến mâm cơm lấy nón bảo hiểm đập xuống bàn nhiều lần, sau đó ông Hòng hất mâm cơm xuống đất và đập 01 xe mô tô và 02 máy khâu của Tú...”. Tuy nhiên các bản án và các tài liệu, chứng cứ tố tụng đều không ghi nhận và làm rõ các thiệt hại về tài sản của gia đình anh Tú do hành vi trái pháp luật của ông Hòng. Chúng tôi cho rằng, Bản án số 17/2018/HS-ST không thể hiện rõ thiệt hại về tài sản của gia đình anh Tú, không thể hiện đúng, đủ hành vi trái pháp luật (nghiêm trọng) của ông Hòng và bản chất thật sự của vụ án.

Thực tế là, không chỉ chửi bới, hành hung người khác (sẽ phân tích chi tiết ở phần dưới), mà còn làm hư hỏng các tài sản: 02 (hai) chiếc máy khâu điện tử (chi phí sửa chữa là 3.800.000 đồng); Xe máy của anh Tú (chi phí sửa xe là 920.000 đồng); 01 (một) mặt bàn phải thay mới (chi phí sửa chữa là 500.000 đồng). Nếu đúng gia đình anh Tú bị thiệt hại như trên, có nghĩa rằng hành vi của ông Hòng đã có dấu hiệu rõ ràng của tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” - mấu chốt trong việc xác định có hay không “hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân”. Tuy nhiên, các chứng cứ liên quan đã không được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập theo đúng thủ tục trình tự của Bộ luật tố tụng hình sự và không đánh giá đầy đủ trong các bản án, đặc biệt là Bản án số 75/2018/HS-PT (phân tích chi tiết ở phần sau).

- Về hành vi cố ý gây thương tích của ông Hòng:

Chỉ từ nghi ngờ đơn phương (chúng tôi cho rằng không có căn cứ), ông Hòng đã đến nhà của anh Tú gây sự. Chị Liên cũng không có bất kỳ mâu thuẫn nào đối với ông Hòng. Thế nhưng trong suốt quá trình kéo dài khoảng 30 phút (từ khoảng 19h30 đến 20h00 ngày 14/06/2015), không chỉ chửi bới, đập phá đồ đạc, ông Hòng đã có nhiều hành vi đuổi đánh chị Liên liên tiếp: lấy ghế đánh vợ của bị cáo (chị Liên); nhặt 01 chiếc tô sành ném theo vợ của bị cáo (chị Liên); cầm mũ bảo hiểm đuổi đánh chị Liên... Ngoài ra, ông Hòng có hành vi hành hung anh Tú và cháu Chiến. Hậu quả, khiến chị chị Liên bị thương ở mặt (chị Liên đã cung cấp cho Tòa án giấy khám sức khỏe). Nội dung này được đề cập trong nhiều tài liệu của vụ án và ghi nhận trong các bản án trước đó, cụ thể:

Tại Bản án số 140/2016/HSST ngày 06/05/2016, Hội đồng xét xử nhận định: “Vào tối ngày 14/6/2015 bà có chứng kiến sự việc tại nhà của bị cáo, bà nhìn thấy người bị hại (ông Hòng)... khi vợ của bị cáo bỏ chạy, Hòng tiếp tục nhặt 01 chiếc tô sành ném theo vợ của bị cáo. Còn lời khai của người làm chứng Trần Văn Giỏi có nhìn thấy Hòng ... dùng vật gì đó đánh vợ của bị cáo; lời khai của người bị hại tại biên bản ghi lời khai ngày 23/6/2015 (bút lục 57,58) thể hiện là có tát vào mặt vợ Tú một cái, rồi dùng ghế nhựa ném vợ Tú, khi vợ Tú bỏ chạy Hòng lấy cái tô sành ném theo vợ Tú...”.

Tại Bản án số 140/2016/HSST Hội đồng xét xử cũng nhận định: “... Hòng cho rằng lời khai nêu trên của Hòng là không chính xác vì lúc đó tinh thần của Hòng không được minh mẫn nên không nhớ hết mọi việc xảy ra. Xét, lời khai của ông Hòng là không trung thực, vì giữa Hòng và những người làm chứng là bà Quyết, ông Giỏi không có quan hệ gì trước đó và sau khi sự việc thương tích xảy ra họ cũng không gặp nhau, tuy nhiên, lời khai của Hòng lại phù hợp với lời khai bà Quyết, ông Giỏi, phù hợp với lời khai của bị cáo Tú và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Liên. Mặt khác, tất cả các lời khai khác tại biên bản lấy lời khai ngày 23/6/2015 cũng phù hợp với lời khai sau này của Hòng; Hòng xác định suốt quá trình điều tra, Hòng không bị ai ép cung hay bị nhục hình...”.

Quan điểm của chúng tôi, hành vi hành hung nêu trên của ông Hòng đối với chị Liên đã có dấu hiệu rõ ràng của “tội cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng định khung “có tính chất côn đồ”, “dùng hung khí nguy hiểm”. Vậy thì, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của ông Hòng: cố ý làm hư hỏng tài sản, cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm mới dẫn đến hành vi (chém bị hại) của anh Tú.

- Về kết luận anh Tú “bị kích động” nhưng “chưa đến mức kích động mạnh về tinh thần”:

Cụ thể, tại Bản án số 75/2018/HS-PT, Hội đồng xét xử nhận định: “Hành vi do bị hại thực hiện đối với bị cáo và người nhà bị cáo là trái pháp luật, gây bức xúc, ức chế về tâm lý đối với bị cáo. Tuy nhiên, qua lời khai cùa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng”. Vì lẽ trên, bị cáo (anh Tú) phải chịu trách nhiệm hình sự đối với “tội cố ý gây thương tích”.

Thế nhưng: toàn bộ diễn biến vụ án (đã không được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong bản án) là: ông Hòng liên tục gây rối, hành xử côn đồ, phá hỏng đồ đạc, dùng hung khí hành hung trong khoảng thời gian khoảng 30 phút (từ khoảng 19h30 đến 20h00 ngày 14/06/2015). Trước những hành vi trái pháp luật này, anh Tú vẫn không có hành động phản kháng, chỉ nhẫn nhịn giải thích, khuyên can ông Hòng. Đây là căn cứ rõ ràng nhất của sự kiềm chế và tôn trọng pháp luật của anh Tú. Hành động dùng dao chém chỉ xảy ra sau khi anh Tú liên tiếp chứng kiến ông Hòng hành hung vợ mình (chị Liên): lấy ghế đánh vợ của bị cáo (chị Liên); nhặt 01 chiếc tô sành ném theo vợ của bị cáo (chị Liên); cầm mũ bảo hiểm đuổi đánh chị Liên... đồng thời hành động bộc phát của anh Tú xảy ra trong hoàn cảnh hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của ông Hòng vẫn đang tiếp diễn (đang đuổi đánh chị Liên).

Quan điểm của chúng tôi: Đặt trong tổng thể thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa ông Hòng (nạn nhân) với anh Tú (người bị kết án), mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của ông Hòng... (chúng tôi phân tích bổ sung ở phần dưới), chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, anh Tú đã hành động bộc phát (không thể kiềm chế được) khi dùng dao chém ông Hòng, bởi nó đã vượt qua ngưỡng chịu đựng bình thường của một con người. Điều đó có nghĩa, anh Tú đã bị kích động mạnh về tinh thần” và nguyên do “hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra”. Như nhận định của luật sư bào chữa cho anh Tú (ông Nguyễn Văn Viện) phát biểu quan điểm tranh tụng: “Bị cáo đã cố kiềm chế, nhặt cơm bị hất đổ dưới đất tiếp tục ăn, đến khi bị hại dùng nón bảo hiểm đuổi đánh vợ bị cáo, bị cáo đã chạy theo để ngăn can... Diễn biến sự việc cho thấy bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái vô thức, không kiểm soát được hành động trước hành vi trái pháp luật của bị hại”.

- Xét về nhân thân của người bị kết án và người bị hại:

Người bị kết án (anh Tú): được người thân thích, hàng xóm, khách hàng nhận xét tính tình hiền lành, không gây sự, đánh nhau với ai. Trong khi đó, người bị hại (ông Hòng): tính tình cọc cằn, thô lỗ, thường xuyên gây gổ đánh nhau với nhiều người, thậm chí cả người thân. Ông Hòng từng cầm gạch đập vào đầu anh trai ruột (là ông Nguyễn Trọng Minh). Vì việc này ông Minh đã đánh trả, dùng dao đâm thủng bụng của ông Hòng. Ngoài ra, trên mặt ông Hòng có nhiều vết sẹo trên người, mặt là dấu tích còn lại của những trận ẩu đả, đánh nhau với người khác. Tuy nhiên, trừ nội dung: tiền án, tiền sự: Không (đối với bị cáo Nguyễn Văn Tú), cơ quan tố tụng không xem xét nhân thân của ông Hòng.

- Xét về yếu tố phòng vệ của người bị kết án:

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “1- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2- Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này” (Điều 22).

Chúng tôi lưu ý phải xem xét chi tiết về điều kiện, hoàn cảnh khi anh Tú có hành vi gây thương tích (chém) cho ông Hòng. Bản án số 17/2018/HS-ST: “... Bà Liên bỏ chạy thì Hòng nhặt một chiếc tô sành ném theo nhưng không trúng và tiếp tục cầm nón bảo hiểm đuổi theo bà Liên để đánh. Thấy vợ, con bị đánh Tú tức giận đứng dậy chạy đến bàn bán thịt chó gần đó lấy 01 con dao bằng kim loại (loại dùng chặt thịt chó dài 50 cm) đuổi theo nắm lấy cổ áo Hòng và chém một nhát vào vị trí vùng đầu sượt xuống cổ (sau gáy), Hòng quay lại dùng mũ bảo hiểm giơ lên định đánh Tú thì Tú tiếp tục chém trúng vào tay trái Hòng...”.

Điều đó có nghĩa rằng, anh Tú có hành vi gây thương tích (chém) cho ông Hòng, khi hành vi trái pháp luật của ông Hòng vẫn đang tiếp diễn, anh Tú vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của chị Liên (vợ), cháu Chiến (con), tức là (người khác) mà chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm (ông Hòng). Vấn để mấu chốt ở đây cần phải xem xét đó là hành vi “chống trả” của anh Tú có “quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại” hay không. Nếu “có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” anh Tú phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án cũng như toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử (hai cấp) đều không đề cập tới nội dung này.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng: kết luận trong bản án số 75/2018/HS-PT không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Hai là, đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Như đã phân tích ở trên, hành vi đập phá tài sản (cố ý làm hư hỏng tài sản), hành hung (cố ý gây thương tích bằng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ) của ông Hòng đã có dấu hiệu rõ ràng của tội cố ý gây thương tích và tội cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 104 và Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003: Thu thập bảo quản vật chứng (Điều 75), Khám nghiệm hiện trường (Điều 150), Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét (Điều 145) Xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 152), Trưng cầu giám định (Điều 155).

Cụ thể, trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Thuận An đã: (i) không khám nghiệm đầy đủ hiện trường dẫn tới bỏ ra ngoài những dấu vết của hành vi vi phạm pháp luật của ông Hòng (mặt bàn sắt, xe máy, máy khâu điện tử bị hư hỏng); (ii) không thu thập các vật chứng mặc dù có chụp ảnh (liên quan tới mặt bàn sắt, xe máy, máy khâu điện tử bị hư hỏng); (iii) không xem xét dấu vết trên thân thể (chị Liên bị thương ở mặt, phải nhập viện); (iv) không thực hiện giám định tài sảnbị hư hỏng (gồm mặt bàn, xe máy, máy khâu điện tử); (v) không thực hiện trưng cầu giám định để xác định thương tích của chị Liên.

Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nêu trên không những làm sai lệch bản chất của vụ án (từ đó Tòa án nhận định: “... Hội đồng xét xử nhận thấy hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng...”), mà theo chúng tôi đã bỏ lọt tội phạm - không thu thập đủ các chứng cứ làm căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Hòng.

Ngày 28/11/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra thị xã Thuận An đã ban hành văn bản số 35/TLĐ-CQĐT, có nội dung: “Không đủ căn cứ xác định ông Nguyễn Trọng Hòng có hành vi làm hư hỏng tài sản của bà Liên và bị cáo Tú”. Bản án hình sự phúc thẩm số 75/2018/HS-PT kết luận nội dung này, đồng thời nhận định không có cơ sở xem xét kháng cáo của bà Phạm Thị Liên. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi: hành vi của ông Hòng có dấu hiệu rõ ràng của tội cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản. Việc không đủ căn cứ xác minh vi phạm nghiêm trọng (tội phạm) của ông Hòng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, vấn đề này sau đó đã không được xử lý, khắc phục trong các giai đoạn truy tố, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm), Đáng lẽ, đối với sai phạm thủ tục tố tụng (nêu trên) thì Tòa án có đủ căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung, đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ vụ án..., thì Tòa án lại kết luận: hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng...”.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Ba là, Bản án phúc thẩm số 75/2018/HS-PT ngày 01/08/2018 kết án Nguyễn Văn Tú tội danh “cố ý gây thương tích” là áp dụng sai pháp luật.

Bản án hình sự phúc thẩm số 75/2018/HS-PT kết luận: “bị hại thực hiện hành vi có lỗi, tinh thần bị cáo bị kích động nhưng không phải trường hợp bị kích động mạnh...”, “hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng...” là nhận định không có căn cứ. Kết luận này của Hội đồng xét xử đã dẫn tới quyết định: Nguyễn Văn Tú phạm tội “cố ý gây thương tích” được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” (điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), mà không phải là tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” như anh Tú kháng cáo.

Chúng tôi cho rằng, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và liên tục trong khoảng thời gian dài (tới 30 phút) của ông Hòng, đã làm tinh thần của anh Tú bị kích động mạnh. Anh Tú gây thương tích cho ông Hòng (chém bằng dao) khi đã vượt qua ngưỡng chịu đựng thông thường của con người. Đồng thời, trong điều kiện, hoàn cảnh này, chúng tôi cho rằng anh Tú buộc phải có phản ứng (phòng vệ), bảo vệ tài sản, bảo vệ người thân (vợ, con) là phù hợp với đạo lý bình thường của người Việt Nam. Vấn đề cần xem xét ở đây là yếu tố phòng vệ là chính đáng (chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm) hay vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng (chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại).

Tóm lại, chúng tôi cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định Nguyễn Văn Tú phạm tội “cố ý gây thương tích” là áp dụng sai pháp luật.

Yêu cầu của Công ty Luật TNHH Everest (người đề nghị): Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh căn cứ Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 kháng nghị theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm, hủy Bản án phúc thẩm số 75/2018/HS-PT ngày 01/08/2018 của TAND tỉnh Bình Dương.