Bịa đặt, nói xấu người khác, bị xử phạt như thế nào?

Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Hỏi: Có một người phụ nữ nói những lời bịa đặt về mẹ tôi. Đề nghị Luật sư tư vấn, làm đơn tố cáo thì liệu người này sẽ bị xử phạt như thế nào? (Thành Đức - Hải Dương)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đình Hồng - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Về trách nhiệm dân sự :

Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định như sau: "1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó".

Điều 307 BLDS cũng quy định "3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại".

Như vậy, với hành vi bịa đặt, lan truyền việc mẹ anh (chị) ngoại tình thì người đó đã cố ý xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của mẹ anh (chị). Để bào vệ quyền lợi của mình, mẹ anh (chị) có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đó cư trú, làm việc để yêu cầu giải quyết vì theo điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (BLTTDS) sự tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Về trách nhiệm hình sự :

Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về Tội vu khống như sau: "1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Với hành vi bịa đặt, loan truyền chuyện ngoại tình của mẹ anh (chị) mặc dù chuyện này không có thật nhằm xúc phạm danh dự của mẹ anh (chị) thì người đó có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định "Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án hoặc với các cơ quan khác của Nhà nước hoặc tổ chức xã hội. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan hoặc tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản".

Như vậy, anh (chị) có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Làm đơn tố cáo, anh (chị) có thể đưa ra các bằng chứng như tin nhắn điện thoại có chứa những lời bịa đặt, xuyên tạc... Anh (chị) cần phải chứng minh nguồn gốc của tin nhắn này để nó có giá trị pháp lý. Điều 64 BLTTHS quy định như sau: "1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. 2. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng; b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định; d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu khác".

Như vậy, lời khai của người làm chứng cũng là một yếu tố quan trọng anh (chị) có thể nêu ra khi muốn tố cáo hành vi của người phụ nữ đó.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.