Bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh theo pháp luật sở hữu trí tuệ

Tác phẩm phái sinh vẫn được xác định là tác phẩm (sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học) và được bảo hộ theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ.

Tác phẩm phái sinh được tạo ra trên cơ sở nội dung đã có của một hoặc nhiều tác phẩm trước đó bằng cách sáng tạo trong việc thay đổi hình thức diễn đạt, loại hình biểu diễn hoặc ngôn ngữ trình bày nội dung tác phẩm. Pháp luật dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế xác định tác phẩm phái sinh là tác phẩm, do đó vẫn được bảo hộ.

Việc kế thừa các tác phẩm đã tồn tại, các nghiên cứu đi trước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học (tạo ra tác phẩm phái sinh) là một trong các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tài sản trí tuệ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu về nguyên tắc bảo hộ, điều kiện bảo hộ tác phẩm phái sinh.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

- Nguyên tắc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh:

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có liên quan đến việc bảo hộ tác phẩm gốc, để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả thì điều kiện tiên quyết là không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Nhưng như thế nào là không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc? Đây là một vấn đề phức tạp vì ranh giới giữa việc sáng tạo ra tác phẩm phái sinh với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc, ranh giới giữa việc sử dụng tự do tác phẩm với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc… trong nhiều trường hợp là khó xác định. Sau nữa, do sự phát triển của trình độ khoa học và công nghệ, mối quan hệ giữa tác phẩm phái sinh với một số loại hình tác phẩm khác, ví dụ chương trình máy tính đã không được Công ước Berne điều chỉnh, đồng thời pháp luật về quyền tác giả của một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) cũng chưa đề cập.

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Khoản 3 Điều 2 Công ước Berne về bảo vệ tác phẩm văn học đã quy định: “Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc, miễn không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc”.

Với tư cách là một thành viên của Công ước Berne, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận và bảo vệ quyền tác giả đối vơi tác phẩm phái sinh.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) quy định:

"Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn" (khoản 8 Điều 4).

"1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: (a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; (b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; (c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; (đ) Tác phẩm sân khấu; e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); (g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; (h) Tác phẩm nhiếp ảnh; (i) Tác phẩm kiến trúc; k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; (l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; (m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh" (Điều 14).

- Điều kiện bảo hộ đối với một tác phẩm phái sinh:


Một tác phẩm phái sinh sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau đây:

Một là, tác phẩm phái sinh không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Tác phẩm phái sinh phải được hình thành dựa trên một hoặc một vài tác phẩm gốc đã có từ trước. Những tác phẩm gốc này có thể vẫn còn hoặc đã hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản. Tác phẩm phái sinh có thể được sáng tạo mà không cần đến sự đồng ý của tác giả sáng tạo tác phẩm gốc nhưng quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ khi nó không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Trong nhiều trường hợp, rất khó xác định một hành vi có bị coi là gây phương hại đến quyền tác giả hay không, đặc biệt là đối với những tác phẩm mà tác giả sáng tạo ra tác phẩm gốc đã qua đời.

Hai là, tác phẩm phái sinh được sáng tạo một cách độc lập. Cũng như tất cả các tác phẩm khác, tác phẩm phái sinh muốn được bảo hộ thì phải là kết quả của sự độc lập sáng tạo. Tuy nhiên, sự độc lập sáng tạo này khác với tác phẩm gốc ở chỗ có thể khiến người khác liên tưởng đến tác phẩm gốc khi được tiếp cận với tác phẩm phái sinh. Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh cũng chỉ dừng ở mức bảo hộ về mặt hình thức chứ không bảo vệ nội dung và ý tưởng của tác phẩm.

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhưng việc nghiên cứu các quy định về bảo hộ tác phẩm phái sinh chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Do đó, theo chúng tôi việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo hộ tác phẩm phái sinh, góp phần đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả đối với việc bảo hộ tác phẩm phái sinh là cần thiết.

Công ty Luật Everest cung cấp dịch vụ cho khách hàng về bảo hộ Nhãn hiệu, Bản quyền, Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, xử lý xâm phạm…

- Hồ sơ cần chuẩn bị :

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Lưu ý: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả; Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

b) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.

01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.

Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;

d) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.

- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

Luật gia Lê Hồng Sơn - Trưởng nhóm đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp

Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.