Áp dụng lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Những bất cập của BLDS 2005 liên quan đến lãi suất trong đó có lãi suất cơ bản được thi hành trong suốt một thời gian dài đã được Bộ luật dân sự năm 2015 thay thế, đã bỏ quy định lãi suất cơ bản.

Một số quy định bất cập của Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 liên quan đến lãi suất trong đó có lãi suất cơ bản đã được Bộ luật dân sự năm 2015 quy định khác, không quy định lãi suất cơ bản nhằm phù hợp với thực tiễn diễn biến trên thị trường. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 lại làm phát sinh những vấn đề mới xung quanh vấn đề lãi suất khi áp dụng tại Toà án.

Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Theo quy đinh Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, lãi suất đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán mang tính bắt buộc. Việc áp dụng lãi suất này là không hợp lý và sẽ không bảo vệ được quyền lợi của bên có quyền, không tạo trách nhiệm đối với bên có nghĩa vụ.

Tại khoản 2 Điều 357 BLDS năm 2015 đã sửa đổi lại quy định trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền: “Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Quy định này hoàn toàn hợp lý, mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền phải căn cứ vào mức lãi suất thỏa thuận trước đây do hai bên ghi nhận trong hợp đồng chứ không phải mang tính bắt buộc, qua đó nhằm bảo vệ quyền lợi của bên có quyền, tăng trách nhiệm của bên có nghĩa vụ.

Mặc dù, những bất cập của BLDS 2005 liên quan đến lãi suất trong đó có lãi suất cơ bản được thi hành trong suốt một thời gian dài đã được Bộ luật dân sự năm 2015 thay thế, đã bỏ quy định lãi suất cơ bản. Nhưng BLDS 2015 lại làm phát sinh những vướng mắc mới khi áp dụng tại Toà án, cụ thể:

Áp dụng mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015

Theo TAND tối cao, cách ghi nội dung về nghĩa vụ chậm thi hành án đối với vụ án dân sự như sau: “Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015”.Việc áp dụng mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 là chưa hợp lý.

Thứ nhất, nếu trong mọi trường hợp mà áp dụng mức lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo 2 Điều 468 BLDS năm 2015, mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 được tính bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này là 20%/năm nên được xác định là 10%/năm là không đảm bảo quyền lợi cho bên có quyền. Bởi có trường hợp bên có quyền thỏa thuận lãi suất cao hơn mức lãi suất tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 và phù hợp với mức lãi suất theo khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015.

Thứ hai, Điều 357 BLDS năm 2015 quy định trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là điều luật quy định chung cho nhiều loại hợp đồng dân sự chứ không phải áp dụng riêng cho loại hợp đồng vay. Nếu áp dụng theo khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015 để tính lãi suất cho các tranh chấp hợp đồng khác không phải là hợp đồng vay thì chưa phù hợp, vì khoản 1 Điều 468 tính lãi suất không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trong khi các tranh chấp hợp đồng khác không phải là khoản tiền vay.

Áp dụng mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả theo Điều 468 BLDS năm 2015

Một số Tòa án không chỉ áp dụng lãi suất theo khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 mà áp dụng luôn cả khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 468 BLDS năm 2015 để tính lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là không phù hợp. Bởi lẽ, cũng như vừa phân tích ở trên thì Điều luật 468 BLDS năm 2015 chỉ áp dụng cho hợp đồng vay tài sản còn các loại hợp đồng dân sự khác việc áp dụng mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo Điều 357 BLDS năm 2015 thì sẽ chính xác và hợp lý hơn mặc dù Điều 357 BLDS năm 2015 dẫn chiếu đến Điều 468 BLDS năm 2015.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015 thì lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được chia làm 02 trường hợp đó là, nếu có thỏa thuận thì áp dụng mức lãi suất thỏa thuận không quá 20%/năm. Nếu có thỏa thuận mà không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi thì lãi suất được xác định là 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015. Như vậy, đối với trường hợp không thỏa thuận lãi suất thì áp dụng theo mức lãi suất nào? Nếu áp dụng theo Điều 468 là không hợp lý.

Áp dụng mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo Điều 357 BLDS năm 2015

Việc áp dụng mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo Điều 357 BLDS năm 2015 là hợp lý nhất. Điều 357 là Điều luật áp dụng cụ thể đối với nghĩa vụ do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền; đồng thời, điều luật này áp dụng chung cho các loại hợp đồng dân sự nói chung chứ không phải áp dụng riêng đối với hợp đồng vay tài sản như quy định tại Điều 468, giúp cho những người có liên quan đến việc thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án sẽ nắm rõ hơn về điều luật áp dụng về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm quy định về áp dụng điều luật dẫn chiếu thuộc khoản 1 hay khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 trong trường hợp các bên có thỏa thuận lãi suất nhưng không xác định rõ lãi suất và trường hợp có tranh chấp về lãi suất. Bên cạnh đó, Điều 357 BLDS năm 2015 cũng nên tách khoản 2 thành 2 khoản riêng biệt cho rõ nội dung hai trường hợp, trường hợp nào dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 468, trường hợp nào dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 468 để tạo điều kiện cho việc thi hành án dễ dàng.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật TNHH Everest